Tài xế Kadek Yosa Yasa nuôi cả gia đình nhờ 20 cuốc xe mỗi tháng. Nhưng giờ anh không biết sẽ cho lũ trẻ ăn gì khi không còn khách.
"Không có khách từ sáu tuần trước rồi, và ai cũng chật vật, vật vã, lay lắt", Yasa trả lời 9News.
Yasa chỉ là một trong 4 triệu cư dân Bali có sinh kế phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch - ngành công nghiệp đang sụp đổ trước sức ép của đại dịch do nCoV. Đường phố trên đảo không còn nhộn nhịp, bãi biển đóng cửa, và ngành du lịch gần như không còn tồn tại khi những chuyến bay quốc tế đến giảm tới 95%.
Sân bay Bali trước (trái) và sau khi đại dịch bùng phát. Ảnh: Kania Bali Tour.
Một tuần trước, Indonesia ngừng cho khách quốc tế nhập cảnh trước những dự đoán tàn khốc rằng Covid-19 có thể cướp đi sinh mạng của 240.000 người dân nước này đến cuối tháng 4.
Ross Taylor, giám đốc Học viện Indonesia có trụ sở tại Perth (Australia), nhận định nền kinh tế Bali sẽ sụp đổ nghiêm trọng hơn nhiều so với tình hình sau vụ đánh bom năm 2002 và lần núi lửa Agung phun trào năm ngoái.
"Nếu xét lại thời điểm của vụ đánh bom năm 2002, Bali có 65% nền kinh tệ phụ thuộc vào du lịch. Ngày nay khi đối mặt với đại dịch Covid-19, đến 80% nền kinh tế của hòn đảo gói gọn trong du lịch, và như rất nhiều nơi trên thế giới, ngành du lịch của Bali đã hoàn toàn sụp đổ", ông Taylor lý giải.
Theo chuyên gia này, phần lớn người Bali hiện nay thất nghiệp, số còn lại sẽ đi làm nửa ca, nhận nửa lương. "Vậy điều gì sẽ xảy ra trong tháng tiếp theo? Một người chỉ bắt đầu tự hỏi thì họ sẽ trở nên khá hoảng loạn", Taylor nói.
Với mọi đơn đặt dịch vụ bị hủy cho đến tháng Bảy, nhà tổ chức sự kiện Djulian Firmansyah đang cầu xin chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với các gói kích thích kinh tế trị giá 40 tỷ USD.
"Ba ngày, sáu ngày hay một năm, họ muốn chúng tôi ở nhà bao lâu cũng được, nhưng hãy cung cấp thức ăn cho chúng tôi", ông nói.
Hàng quán đóng cửa trên bãi biển Seminyak từ cuối tháng 3. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, Nadine Gray, một nhà tổ chức sự kiện người Australia tại Bali, đã quyên góp gần 1.000 USD từ khi dừng mọi hoạt động kinh doanh. Cô tiếp tục kêu gọi đóng góp từ các nhà hảo tâm, để chuyển gạo, trứng, mì và rau củ tới những người địa phương khó khăn.
"Đến nay chúng tôi đã quyên đủ tiền cho những gói cứu trợ đủ cho 77 gia đình để cung cấp thực phẩm đều đặn cho họ trong một tuần", bà Gray, chủ sở hữu của Bali Boho Co, cho hay. "Họ đang khốn khổ khi đột nhiên mất thu nhập mà không có nhiều tiền dành dụm".
Song điều tội tệ hơn là không ai biết khi nào hàng triệu khách quốc tế có thể trở lại hòn đảo xinh đẹp này.